Nhắc tới làng quê Việt Nam trong mắt mọi người thường nghĩ tới con sông quê, lũy tre làng, cánh đồng lúa vàng bát ngát khi mùa lúa chín, hình ảnh chợ quê việt và đi theo đó là những lời ru của mẹ. Những nét mộc mạc, giản dị đó trong các bài thơ ca người ta gọi đó là Hồn Quê. Làng quê Việt Nam xưa và nay, cùng với những nét đẹp của quá khứ và hiện tại. Hãy cùng chúng tôi đi tìm lại một chút gì đó gọi là thân quen trong bài viết này.
Mục lục:
Sự ra đời của làng quê Việt Nam
Cái gọi là Làng từ xa xưa đã được hình thành lên từ 3 yếu tố chính của một thực thế không tách rời đó là: Người trồng lúa, nghề trồng lúa và làng trồng lúa và còn được gọi là Tam Nông. Thế nên làng quê Việt từ xa xưa được gắn liền với hình ảnh con trâu, đồng quê Việt Nam xưa.
Theo nhiều những sử sách ghi chép lại, làng quê Việt Nam đã xuất hiện từ thời Văn Lang, cho đến thời Lý thì làng Việt đã rất phát triển. Mọi người sống với nhau chia thành từng xóm, nhiều xóm thành một làng.
Từ thế kỷ XV thì ngoài việc chống thú dữ, người dân trong các làng phải cùng nhau chống chọi với thiên nhiên, thường xuyên chống giặc ngoại xâm và chống lại việc cướp bóc do bọn đạo tặc gây ra. Thời điểm này, làng quê Việt dần trở thành một tổ chức chặt chẽ có quy củ.
Ngoài những ngôi chùa để thờ Phật từ lâu đời, các làng đều xây dựng những ngôi đình lớn, những ngôi đình cũng được coi là một trong những nét văn hóa riêng của làng quê Việt Nam. Đình là nơi thờ Thành Hoàng Làng và cũng là nơi ngày xưa diễn ra những sự kiện quan trọng, có sự góp mặt của tất cả mọi người trong làng.
Những ngôi đền, miếu, đình thờ thần linh và Thành Hoàng đều được xây dựng ở vị trí trung tâm của làng. Hướng đình đều được xác định theo các thầy phong thủy thời xưa.
Mỗi làng quê Việt Nam thời xưa đều có những hương ước quy định cho cả một cộng đồng sinh sống từ lễ tiết, sinh hoạt, học tập, ngôi thứ, thưởng phát để làm tiêu chuẩn sống. Mỗi một làng sẽ thờ một Thần Hoàng Làng riêng có thể thờ thiên thần hoặc nhân thần.
Chính vì những điều này đã tạo nên những phong tục, tập quán mang những bản sắc văn hóa riêng. Nhưng điểm chung nhất của các làng quê Việt Nam cho tới ngày nay vẫn không thay đổi dưới góc nhìn của mọi người đó chính là hình ảnh: Cây đa, giếng nước, sân đình, đồng quê…
Quá trình phát triển của làng quê Việt Nam
Trong thời gian dài Làng quê Việt Nam xưa là nơi được tổ chức để sản xuất nông nghiệp và nghề chủ đạo là trồng lúa nước. Một số làng ở khu vực Trung Du và Miền núi còn kết hợp với săn thú và hái lượm. Các bộ phận dân cư vẫn tổ chức theo xóm, bản như ở vùng đồng bằng.
Hình ảnh đồng quê Việt Nam qua từng thời kỳ phát triển
Hình ảnh đồng quê Việt Nam từ xưa đến nay luôn là một hình ảnh gắn liền với những tác phẩm văn học, nghệ thuật, thơ ca. Phong cảnh làng quê Việt gắn liền với con sông sân đình, cây đa, bến nước. Đây giống như một biểu tượng của đất nước và con người Việt Nam.
Đồng quê Việt Nam với những hình ảnh cánh đồng bát ngát, những cánh cò chao nghiêng, hình ảnh con trâu của làng quê Việt xưa chắc giờ chỉ còn lại trong tiềm thức của những người lớn tuổi.
Làng Quê Việt Nam xưa dần dần theo xu hướng phát triển, tất cả đều thay đổi theo nhịp sống của xã hội. Qua các thời kỳ phát triển thì đồng quê Việt Nam cũng có nhiều đổi thay, hình ảnh con trâu dần dần được thay thế bằng những chiếc máy cày để giúp phù hợp với thời kỳ nông nghiệp hóa của đất nước.
Chợ quê Việt Nam và quá trình phát triển
Khi trình độ sản xuất đã phát triển, nhà ở của những gia đình có quyền thế, có địa vị và học thức cao, cũng như đình chùa đều được xây dựng khang trang hơn. Cuộc sống của dân cư dần thay đổi, không chỉ đơn thuần suy nghĩ đến cái ăn, cái mặc, một mái nhà,… mà dần phát sinh thêm nhiều những nhu cầu mới của cuộc sống. Làng quê Việt Nam dần chuyển mình sang hướng phát triển mới. Việc có hàng hóa để trao đổi dần hình thành, chợ quê Việt Nam bắt đầu được hình thành từ đây.
Thời gian đầu, mỗi gia đình phải tự xoay sở với cuộc sống hằng ngày, song dần thì có một số bộ phận người dần tách ra và chuyên lo cung cấp những nhu yếu phẩm cần thiết cho cộng đồng trong làng và dần hình thành nên một đội ngũ thợ thủ công, hình thành nơi trao đổi hàng hóa.
Hình ảnh chợ quê Việt Nam thời xưa thường được nằm trên những mảnh đất rộng, chợ không quá lớn đủ để phù hợp với không gian chung của làng, khác đi chợ phần lớn là những người trong làng hoặc ở các làng xung quanh. Sản phẩm được bán thường là các loại rau, củ, quả, các loại thực phẩm và đồ thủ công. Các sản phẩm đều là cây nhà, lá vườn của người dân chốn thôn quê.
Tôi là một người con sinh ra ở chốn quê nghèo, nên hình ảnh đồng quê Việt Nam, chợ quê Việt Nam ở thời kỳ đổi mới, tôi cảm nhận rất rõ, nhiều những thay đổi với chợ quê xưa qua lời kể của ông bà. Nhưng những hình ảnh này vẫn gắn liền trong tiềm thức của lũ trẻ con vùng nông thôn như tôi mà không bao giờ có thể quên được.
Sự phát triển của những làng nghề Việt
Tuy nhiên thì thời kỳ này tổ chức làng quê Việt Nam vẫn lấy việc sản xuất nông nghiệp là chính, nhưng sự phát triển nghề thủ công đã xuất hiện một số xưởng sản xuất kinh doanh và chợ quê Việt dần được hình thành.
Khi sản xuất dần một phát triển, yêu cầu của xã hội ngày một tăng lên. Ngoài việc, trồng lúa một số làng đã có trình độ tay nghề để làm ra các sản phẩm để phục vụ mọi người, nhiều hơn và đa dạng hơn. Nhiều làng quê Việt Nam đã dần chia thành 2 nhóm nghề chính là nghề nông và nghề thủ công.
Từ đó, dần dần có sự xuất hiện của những làng nghề như: Nghề rèn, nghề mộc, nghề thêu ren, nghề đúc, nghề đan lát, nghề thủ công mỹ nghệ,… Không gian kiến trúc cũng dần có sự thay đổi rõ rệt.
Làng quê Việt Nam sau thời kỳ chiến tranh
Sau năm 1954, Đảng và Nhà nước tiến hành giảm tô và cải cách ruộng đất, bắt đầu tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp. Đây là giai đoạn đất nước đang trong giai đoạn khó khăn do chiến tranh gây ra, các công trình văn hóa có các làng quê Việt Nam như đình, chùa đều bị xuống cấp hoặc bị tàn phá do chiến tranh. Hình ảnh thôn quê cây đa, giếng nước, sân đình, cổng làng ở nhiều nơi đổ nát, thậm chí còn bị triệt phá hoàn toàn.
Nhiều ngôi đền, chùa cổ kính trăm năm, sau khi chia cho người dân cũng đã dần biến mất. Những công trình công cộng phù hợp với thời đại dần được hình thành. Qua các thời kỳ chiến tranh những làng quê Việt có nhiều sự thay đổi. Nhiều nơi mất nhiều cái gọi là bản sắc quê hương mà ông cha đã tốn biết bao nhiêu công sức xây dựng. Thời gian này kiến trúc sa sút nghiêm trọng.
Ruộng đất thời bấy giờ đều được nhà nước cải cách chia đều cho các hộ nông dân, hình ảnh đồng quê Việt Nam lại bắt đầu xanh trở lại qua bao nhiêu cuộc chiến tranh. Người nông dân lại tiếp tục gắn bó với cánh đồng quê cho đến tận ngày nay.
Làng quê Việt Nam theo sự phát triển hiện đại hóa
Chính sách Tam Nông đã được Đảng và Nhà nước thực hiện, tức là nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nước ra đã cố gắng giảm tỷ lệ dân số sản xuất nông nghiệp, tăng sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp, cùng với một số dịch vụ và ngành nghề khác. Từ đó dần dần vùng quê Việt Nam lại một lần nữa có nhiều những thay đổi, kết cấu làng trở nên phong phú và đa dạng hơn.
Loại hình phát triển phổ biến trong giai đoạn này là sự kết hợp giữa nghề nông và nghề thủ công, công nghiệp kết hợp với các dịch vụ du lịch. Nhiều những làng nghề truyền thống đã sản xuất ra những sản phẩm để có thể xuất khẩu ra nước ngoài và nhiều những ngôi làng cũng đã phát triển ngành nghề du lịch và có đến hàng ngàn lượt khách nước ngoài đến để thăm quan và du lịch. Làng quê Việt Nam xưa và nay đã dần có sự chuyển mình một cách rõ rệt và sôi động hơn.
Vậy liệu với sự phát triển nhanh chóng của nền công nghiệp hóa như hiện nay thì những điều gọi là Hồn Quê có còn được gìn giữ. Những hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, cổng làng, đồng quê Việt Nam với những ruộng lúa bát ngát, hình ảnh con trâu ở làng quê Việt Nam có còn được mọi người chân trọng.
Văn hóa của người Việt Nam được sinh ra từ Làng, làng cần được bảo vệ để giữ gìn lại những nét thôn quê. Ngoài việc, có chiến lược phát triển bền vững thì cần xây dựng làng quê Việt Nam văn minh, hiện đại ở chính sự góp sức của mỗi người chúng ta.